Đình Hoà Thượng toạ lạc tại vị trí trung tâm của làng. Ngôi đình thờ Lục vị Đại vương phù trợ cho cuộc sống của người dân địa phương được an cư lạc nghiệp. Công trạng của các vị thần được vua các triều Lê, Nguyễn ghi nhận, ban tặng mỹ tự để nhân dân thờ phụng muôn đời. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Hoà Thượng là một trong những di tích lịch sử văn hoá có niên đại xây dựng từ rất sớm. Trong quá trình gìn giữ và phát triển, đình Hoà Thượng cũng như các di tích khác trong vùng đã trải qua bao biến đổi nhưng vẫn lưu giữ, bảo tồn được vẻ cổ kính và giá trị về lịch sử, nghệ thuật.
Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: Hồ bán nguyệt, nghi môn, sân, đại bái, phương đình, hậu cung. Cảnh quan di tích được bồi đắp bằng hệ thống cây xanh, xung quanh là các hộ dân quần tụ. Tại Đình Hoà Thượng còn bảo lưu được hệ thống di vật khá phong phú về chất liệu; trong đó tiêu biểu như: bát hương gốm Thổ Hà có phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ 18, long ngai có nghệ thuật thế kỷ 19. Các gian đại Bái với cấu kiện gỗ được trang trí nghệ thuật thời Nguyễn. Để bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, các cấp chính quyền từ xã đến thôn thường xuyên khảo sát hiện trạng và có phương án bảo quản, bảo vệ các di tích; đồng thời huy động các nguồn lực để từng bước tôn tạo di tích. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu được những giá trị của di tích tại Đình làng.
Nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, theo phong tục, cứ đến ngày 12/8 Âm lịch hàng năm, Nhân dân thôn Hoà Thượng lại tổ chức hội làng để tế lễ, rước hội để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần thờ tại Đình làng. Phần lễ có các nghi lễ tế thần trang nghiêm. Các vị bô lão, ban trị sự đình, cấp uỷ, chính quyền địa phương và người dân đã thành kính dâng hương để tưởng nhớ công đức tiền nhân. Lễ vật dâng cúng là các sản vật nông nghiệp do người dân địa phương tự làm như: xôi trắng, thủ lợn và thanh bông hoa quả. Đặc biệt không thể thiếu sản vật bưởi Thồ. Bên cạnh các hoạt động lễ hội, nhân dân Hoà Thượng còn tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hoá với các trò chơi truyền thống như: bịt mắt bắt dê, cầu phao, đập niêu, cờ tướng thu hút đông đảo nhân dân tham gia...
Cùng với việc gìn giữ và bảo tồn các di tích nghệ thuật phong phú trên địa bàn. Xã Bạch Hạ cũng đã tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Với mục tiêu phát triển cây bưởi thồ làm cây mũi nhọn. Điều kiện tự nhiên của xã Bạch Hạ rất phù hợp cho bưởi Thồ về thổ nhưỡng, khí hậu. Bên cạnh đó, xã Bạch Hạ còn được Sở NN & PTNT ban hành quyết định công nhận 40 cây Bưởi Thồ Bạch Hạ là cây đầu dòng. Sản phẩm quả bưởi Thồ cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chứng nhận sản phẩm OCCOP 4 sao. Đây là các điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng thế mạnh của xã về phát triển trồng cây ăn quả có chất lượng cao, xây dựng định hướng phát triển cây ăn quả chất lượng phù hợp với thế mạnh của xã... Hiện nay, trên địa bàn xã Bạch Hạ có trên 70ha trồng bưởi thồ trong đó Thực hiện kế hoạch 171 ngày 4/5/2022 của UBND huyện đã triển khai hơn 30ha trồng mới tại vùng lõi là thôn Hòa Thượng với hàng chục hộ đang canh tác giống bưởi này. Đây là loại cây dễ trồng, tốn ít công sức lại sinh trưởng, phát triển tốt, cho lợi nhuận kinh tế cao. Nhiều gia đình trở nên khấm khá nhờ nghề trồng bưởi.
Xác định đây là giống cây tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, năm 2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã về Bạch Hạ thực hiện đề tài "Nghiên cứu phát triển giống bưởi Thồ tại huyện Phú Xuyên" nhằm bảo tồn nguồn gene địa phương và nhân giống bưởi Thồ bản địa. Bưởi Thồ đã thực sự trở thành loại "quả ngọt" đem lại lợi ích cho người dân.
Để phát triển giống bưởi thồ Bạch Hạ, chính quyền địa phương cũng phối hợp với các đơn vị ngành nông nghiệp thường xuyên mở các lớp đào tạo, hướng dẫn để tuyên truyền cho bà con cách làm mới, thay đổi tập quán sản xuất từ vô cơ sang hữu cơ hiện đại. Chương trình OCOP đã mở ra trang mới cho cây bưởi nơi đây. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thì chất lượng và số lượng bưởi được tăng lên đáng kể. Xã cũng đã phát triển vùng sản xuất bưởi Thồ tập trung theo mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm; phấn đấu nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất bưởi Thồ lên 400 – 500 triệu đồng/ha, giải quyết việc làm cho 500- 1000 lao động, tạo tính đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Thành phố Hà Nội cũng đã cho phép người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ các giống cây khác sang bưởi, tiến hành quy hoạch vùng trồng chuyên canh lên tới 130ha./.
Thanh Xuân - TTVHTT&TT