di tích lịch sử và lễ hội truyền thống huyện phú xuyên

Phú Xuyên: Bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản

Huyện Phú Xuyên hiện có 345 di tích được Thành phố phê duyệt, công bố trong danh mục kiểm kê di tích, là một trong những đơn vị có số lượng di tích lớn, trải đều khắp các xã, thị trấn, đa dạng về loại hình như: đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ dòng họ, nhà cổ... Toàn huyện có 120 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 38 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 82 di tích xếp hạng cấp Thành phố.

      Một số di tích cổ có kiến trúc tiêu biểu như: đình Giẽ Hạ (xã Phú Yên), đình Đa Chất (xã Đại Xuyên), đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến), đền thờ Tổ nghề Khảm (xã Chuyên Mỹ). Huyện có 01 di tích cách mạng kháng chiến Trại Diền, xã Hồng Thái và 06 địa điểm đã được gắn biển lưu niệm di tích cách mạng kháng chiến. Về văn hóa phi vật thể,  huyện Phú Xuyên còn lưu giữ được những giá trị như "Hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông" ở Thôn Phú Nhiêu (xã Quang Trung); hát trống quân ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, hát Ca Trù ở thôn Chanh Thôn (xã Nam Tiến) và Nghề nặn Tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực)... Các lễ hội cổ truyền nổi tiếng như: hội đánh võ gậy ở Thượng Liễu (xã Tân Dân), Hội chạy lợn ở Trại Diền (xã Hồng Thái), Hội rước nước ở Cát Bi (xã Thụy Phú)....

Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, xã Nam Tiến thu hút nhiều lứa tuổi tham gia

      Trong thời gian qua, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa tại huyện Phú Xuyên đã được các cấp, các ngành quan tâm. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban Quản lý di tích các xã, Tiểu ban quản lý di tích các thôn, làng nhằm bảo tồn, quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc; nhiều di tích xuống cấp như: Đình Cổ Chế xã Phúc Tiến, đình Thần Quy xã Minh Tân, đình Nam Phú xã Nam Phong…, trong khi đó nguồn kinh phí nhà nước cũng như tại cơ sở các địa phương còn rất hạn hẹp, tình trạng tự ý xây dựng, tôn tạo và tu bổ làm biến dạng di tích đã và đang xảy ra tại một số địa phương trong huyện. Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa của huyện Phú Xuyên trong giai đoạn hiện nay cần được tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân; nhu cầu nghiên cứu, tham quan du lịch.

 Đình Giẽ Thượng xã Phú Yên thu hút du khách (Ảnh tư liệu)

      Trong giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy đã xây dựng Chương trình số 07 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xây dựng người Phú Xuyên thanh lịch văn minh” và các kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm; trong đó nội dung tu bổ tôn tạo và quản lý, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của lĩnh vực văn hóa xã hội. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ, huyện đã tuyên truyền vận động công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư nhất là nhân dân địa phương trong hoạt động bảo quản tu bổ di tích. Cấp ủy chính quyền địa phương vận động các doanh nghiệp trong và ngoài huyện có các chương trình hỗ trợ, thực hiện bảo tồn di sản văn hoá. Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn công tác thi đua tới từng các cán bộ đảng viên, thị trấn, xã, khu dân cư nơi có di sản văn hóa. Tại các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, đền, miếu… luôn được các ban ngành địa phương quan tâm, cắt cử người trực tiếp trông nom, vệ sinh, đảm bảo cảnh quan của các khu di tích luôn khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

      Trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc, xây dựng tiêu chí người Phú Xuyên thanh lịch, văn minh, huyện Phú Xuyên và các xã, thị trấn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên nhân dân nâng cao tinh thần bảo vệ các di sản văn hoá; phát huy xã hội hoá trong bảo vệ tôn tạo các di tích, tu sửa các di tích để trở thành các điểm tham quan du lịch; Khuyến khích, củng cố và phát triển mạnh hơn văn hoá phi vật thể; đầu tư để các điểm văn hoá: Hò cửa đình, múa hát Bài bông, Ca trù, nghề nặn Tò he... được mở rộng và phát triển. Duy trì và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống của các địa phương đặc biệt là tôn vinh và tổ chức lễ hội vinh danh các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục giới thiệu, quảng bá về giá trị di tích để người dân, du khách, cộng đồng, doanh nghiệp hiểu, trân trọng; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ; thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn./.

Thanh Xuân – TTVHTT&TT