làng nghề truyền thống huyện phú xuyên

Giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên

Phú Xuyên là huyện có nhiều nghề và nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Nhằm tôn vinh Tổ nghề, tri ân các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng nghề và truyền nghề cho các thế hệ con cháu, từ năm 2011 huyện lấy ngày 26 tháng 10 hằng năm là “Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”.

      Phú Xuyên là huyện ngoại thành phía nam Hà Nội, diện tích tự nhiên 171,04km2, dân số hơn 20 vạn người. Những năm qua, Huyện ủy Phú Xuyên có nhiều chủ trương, biện pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp như dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất… đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.

       Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp, Phú Xuyên rất coi trọng duy trì, bảo tồn và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề nhằm nâng cao đời sống nhân dân.

       Phú xuyên là huyện có nhiều nghề và nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Nhằm tôn vinh Tổ nghề, tri ân các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng nghề và truyền nghề cho các thế hệ con cháu, từ năm 2011 huyện lấy ngày 26 tháng 10 hằng năm là “Ngày vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên”. Năm 2011, 2014, 2017 tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện; năm 2012, 2013, 2016 tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề cấp xã (Khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ, Da giầy Phú Yên, Cỏ tế Phú Túc). Toàn huyện có 156/156 làng, cụm dân cư có nghề, chiếm 100%, có 78 làng nghề được duy trì và phát triển mạnh; 40 làng nghề đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Tiêu biểu là các làng nghề khảm trai (xã Chuyên Mỹ), mây giang đan (xã Phú Túc), chế biến lâm sản, nông sản, thực phẩm, dệt may (xã Vân Từ), cơ khí (thị trấn Phú Minh), dệt lưới chã (xã Quang Trung), da giầy (xã Phú Yên), đồ mộc (xã Văn Nhân, Tân Dân), sản xuất hương (xã Văn Hoàng), bánh kẹo (xã Hoàng Long) … Đứng thứ 3/30 quận, huyện của Thủ đô về số làng có nghề.

       Số hộ sản xuất TTCN năm 2017: có 24.500 hộ; Số lao động sản xuất TTCN là 39.939 chiếm 37,3 %; Giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550,00 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/năm. Có 385 công ty, doanh nghiệp; 06 HTX công nghiệp; 08 tổ chức, quỹ tín dụng; 03 hiệp hội sản xuất, kinh doanh liên quan về sản xuất TTCN, làng nghề.

       Các làng nghề tạo ra nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, mang đậm nét văn hóa riêng của mỗi làng nghề; tạo dựng được thị trường rộng lớn như: Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và quốc tế như: Nga, Mỹ, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia,.. đã giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận, đời sống của nhân dân các làng nghề được cải thiện rõ rệt, số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu KT- XH của huyện.

 

Sản phẩm khảm trai xã Chuyên Mỹ

Một số sản phẩm da - giầy xã Phú Yên

Sản phẩm comple do người thợ Từ Thuận, xã Vân Từ

Người dân Phú Túc đang hoàn thành sản phẩm cỏ tế

       Bên cạnh việc quan tâm phát triển làng nghề, Phú Xuyên đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Những lễ giỗ Tổ nghề, tôn vinh nghệ nhân, các lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức hằng năm. Đình thờ tổ nghề, các di tích lịch sử - văn hóa được tôn tạo; các loại hình nghệ thuật truyền thống như hò cửa đình, múa hát bài bông, ca trù, chầu văn được lưu giữ. Sự tinh tế trong kỹ năng làm nghề để tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao và đầy tính nhân văn, kết tinh của tâm hồn, trí tuệ và đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công đang tiếp tục được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trên quê hương Phú Xuyên.

       Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Xuyên lần thứ XXIV chủ trương giữ vững và phát triển các ngành nghề truyền thống. Huyện ủy ban hành Chương trình số 05-CTr/HU, ngày 08/01/2016 về phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015 - 2020, đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, 12 chỉ tiêu chủ yếu, 3 khâu đột phá, trong đó có nhiệm vụ về phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề; nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề; đảm bảo kinh tế của huyện phát triển bền vững. Để đảm bảo cho làng nghề phát triển, bảo tồn và phát huy các yếu tố truyền thống, sử dụng nhiều lao động tại chỗ, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, chú trọng phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh như khảm trai, sơn mài, cỏ tế, da giày; gắn sản xuất làng nghề với hoạt động du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống… thì ngay lúc này đây, làng nghề Phú Xuyên phải vượt qua được những thách thức, khó khăn về mẫu mã đơn điệu, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu lực lượng thợ lành nghề và nắm bắt khoa học công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, sức cạnh tranh về thị trường chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của làng nghề truyền thống huyện vốn nổi tiếng từ hàng trăm năm; sự đầu tư cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu còn nhiều hạn chế.

       Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên thì cần phải đẩy nhanh: Triển khai quy hoạch phát triển nghề, làng nghề; Phối hợp triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; tiếp tục đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới;Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Đào tạo nguồn nhân lực; Tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền, quản lý nhà nước về quản lý, định hướng phát triển nghề, làng nghề.

       Phú Xuyên, con sông giàu có mà tổ tiên xưa chọn chữ đặt tên này là mảnh đất trù phú, từ thiên nhiên, thổ nhưỡng, địa lý, địa hình đến con người và văn hóa, tất cả đều có sức lôi cuốn, hấp dẫn các nhà đầu tư, các đối tác trong và ngoài nước. Đây là mảnh đất hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển cho những ai biết tìm về./.

Nguyễn Thị Hòa - Ban Tuyên giáo Huyện ủy