QUỐC PHÒNG - AN NINH - PHÁP LUẬT

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi
Ngày đăng 06/11/2017 | 16:38  | View count: 3283

Sau 2 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

      Ngày 31-10, nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được đồng chí Nguyễn Công Khanh – Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, đồng chí Nguyễn Thị Hảo- Cục trưởng Cục Con nuôi cùng các đồng chí lãnh đạo các phòng nghiệp vụ thuộc Bộ Tư pháp trực tiếp giải đáp.

       Sau 2 năm triển khai thi hành Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đăng ký hộ tịch của người dân, yêu cầu quản lý nhà nước về hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

       Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng hợp từ địa phương, phản ánh của người dân và qua công tác kiểm tra cho thấy một số quy định của pháp luật về hộ tịch còn mới nên đã gây khó khăn, lúng túng cho cán bộ làm công tác hộ tịch như: Quy định về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nuôi con nuôi, đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, chứng thực chữ ký, xác nhận Sơ yếu lý lịch… Trên cơ sở những tình huống cụ thể phát sinh trong thực tiễn, các vướng mắc của cán bộ tư pháp đã được các đồng chí lãnh đạo hướng dẫn chi tiết, đầy đủ.

1. Đối với việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

       Theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình.

       Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.

       Ngoài ra, Điều 4 Thông tư số 15/2015/TT-BTP của Bộ Tư pháp cũng đã quy định giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch đối với những trường hợp không nhận được kết quả xác minh là cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung đó. Tuy nhiên trên thực tế, việc quy định như trên mất nhiều thời gian giải quyết hơn so với quy định của pháp luật do cần phải tính thêm thời gian gửi văn bản xác minh tại các nơi và thời gian đợi kết quả trả lời. Đối với công dân qua nhiều nơi thường trú khác nhau cũng rất vất vả khi phải tự chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình qua từng nơi cư trú.

2. Đối với thủ tục xác nhận Sơ yếu lý lịch, đơn yêu cầu của công dân

       UBND các xã, thị trấn thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký đối với Sơ yếu lý lịch, các loại đơn yêu cầu của công dân. Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký; người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản.

3. Người đứng đầu cơ sở tôn giáo không được nhận nuôi con nuôi

       Qua sơ kết 3 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi năm 2010, các địa phương đều nhận thức đúng đắn việc các sư trụ trì, nhà chùa nhận trẻ em sống trong chùa hoặc các cơ sở tôn giáo làm con nuôi là không phù hợp, không đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho trẻ em. Việc nuôi con nuôi như vậy không bảo đảm mục đích nuôi con nuôi theo Điều 2 của Luật Nuôi con nuôi là nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, đảm bảo con nuôi được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình.

       Trong quá trình tham mưu giúp UBND huyện thực hiện công tác quản lý nhà nước về đăng ký hộ tịch, Phòng Tư pháp huyện Phú Xuyên luôn theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn cán bộ tư pháp các xã, thị trấn thực hiện đúng các quy định của Luật Hộ tịch, Luật nuôi con nuôi các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp liên quan đến công tác hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi.

       Phòng Tư pháp huyện cũng đã tập hợp một số văn bản của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện đăng ký hộ tịch và chứng thực gửi UBND các xã, thị trấn. Đồng thời đề nghị các đồng chí cán bộ tư pháp cấp xã tiến hành rà soát, vận dụng các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về hộ tịch; thường xuyên cập nhật những văn bản mới trên cổng thông tin điện tử của Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Sở Tư pháp. Tránh để xảy ra tình trạng không nắm được văn bản hướng dẫn chuyên môn dẫn đến việc từ chối thực hiện cho công dân để công dân đi lại nhiều nơi hoặc thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật./.

Nguyễn Thị Mai – Phòng Tư pháp.