PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư
Ngày đăng 19/05/2022 | 15:07  | View count: 102

Ngày 18/5, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản liên quan.

      Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Thành phố, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Quang Hưng; Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Văn Hà; thành viên Hội đồng PBGDPL Thành phố; báo cáo viên pháp luật Thành phố và các quận, huyện, thị xã; cán bộ, công chức cơ quan Sở Tư pháp và các đơn vị trực thuộc...

      Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Trong đó, đã xác định Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, là dữ liệu gốc, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

      Mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

      Đại tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính Bộ Công an đã giới thiệu các nội dung quan trọng của Luật Cư trú cần lưu ý như: Chính thức bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/1/2023; quản lý công dân bằng thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giảm thời giam giải quyết đăng ký thường trú từ 15 ngày xuống còn 7 ngày; bỏ điều kiện phải đủ thời gian tạm trú khi nhập hộ khẩu vào các thành phố trực thuộc trung ương; lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú... Luật Cư trú đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Nói cách khác là không còn quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

      Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn các thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

      Luật Cư trú 2020 là tiền đề để sửa đổi rất nhiều quy định về cư trú và thực hiện Đề án 06, với việc thay thế, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin.

      Việc đổi mới này giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc tham gia giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Hiện nay, cơ quan công an đã và đang thu hồi Sổ hộ khẩu với trường hợp công dân thay đổi nơi cư trú, chỉnh sửa thông tin...

      Cụ thể là quản lý công dân bằng thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đến năm 2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực và những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật Cư trú. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng quản lý cư trú qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo tốt hơn nữa về quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong hình hình mới./.

Nguyễn Thị Mai – Phòng Tư pháp