TIN TIÊU ĐIỂM

Giữ tinh hoa đất trăm nghề
Ngày đăng 03/05/2019 | 09:51  | View count: 1709

Phú Xuyên là vùng đất cổ xứ Đoài, trấn Sơn Nam xưa, nằm ở phía nam thành phố Hà Nội, với 100% thôn, làng có nghề truyền thống. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên PHẠM HẢI HOA khẳng định, làng nghề từ lâu đã là động lực, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Do đó, việc gìn giữ giá trị truyền thống và phát huy giá trị kinh tế các làng nghề luôn là nhiệm vụ quan trọng Phú Xuyên hướng tới.

Trụ cột nền kinh tế

      Thời gian tới, huyện Phú Xuyên sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện, chiếu sáng và triển khai quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại huyện để giới thiệu sản phẩm làng nghề phục vụ phát triển du lịch làng nghề. Bên cạnh đó, khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất nâng cao kiến thức quản lý điều hành, du lịch; đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm để bắt kịp xu hướng thị trường. Đồng thời, tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, giới thiệu các làng nghề tham gia hội chợ trong và ngoài nước để thu hút du khách.

Đ/c Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên

     - Phú Xuyên vốn được mệnh danh là “mảnh đất trăm nghề”, kinh tế làng nghề đã đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thưa bà?

     - Trước tiên, có thể khẳng định kinh tế làng nghề hiện đang là trụ cột trong sự phát triển chung của huyện. Phú Xuyên là huyện đứng trong top đầu của thành phố Hà Nội về số lượng làng nghề. Đến nay, toàn huyện có 100% làng, cụm dân cư có nghề, trong đó có 43 làng nghề được thành phố công nhận, 78 làng có nghề đang duy trì và phát triển. Năm 2018, giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550 tỷ đồng, thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/người/năm. Có thể khẳng định, khu vực kinh tế làng nghề đã tạo sinh kế, giải quyết nhiều việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và các vùng phụ cận. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được cải thiện, số hộ khá và giàu tăng nhanh, số hộ nghèo giảm, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của huyện theo hướng CNH - HĐH nông thôn, là động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn huyện.  

     Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, làng nghề ở Phú Xuyên phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng, thưa bà?

     - Mặc dù sự phát triển của làng nghề ở Phú Xuyên trong những năm gần đây là rất rõ nét, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của huyện. Có thể nêu ra một số hạn chế nổi bật ở các làng nghề ở Phú Xuyên hiện nay. 

     Một là, tình trạng cơ sở hạ tầng ở một số làng nghề xuống cấp, chưa được đầu tư nhiều, gây ảnh hưởng đến sản xuất và lưu thông hàng hóa. Hai là, vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn… ở một số làng nghề vẫn chưa được xử lý dứt điểm, do hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư bài bản. Ba là, thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay chưa thực sự ổn định, tính cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Do đó, sản phẩm của các làng nghề ở Phú Xuyên mặc dù rất tinh xảo, chất lượng cao nhưng một phần không nhỏ sản phẩm chưa bắt kịp xu thế của thị trường. Bốn là,việc triển khai quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp và thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch làng nghề còn chậm.Đó là những khó khăn đã tồn tại đã lâu mà Phú Xuyên đang nỗ lực tháo gỡ với mong muốn kinh tế làng nghề phát triển xứng tầm hơn. 

Xưởng may tại làng nghề may Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội        (Ảnh: Tường Vy)

Hướng đến du lịch làng nghề

     - Được biết, bên cạnh hỗ trợ làng nghề phát triển, giúp cải thiện đời sống, mang lại sinh kế cho người dân, Phú Xuyên còn đặt ra hướng đi mới cho các làng nghề là phát triển kinh tế kết hợp với du lịch, thưa bà?

     - Thực tế, các làng nghề truyền thống đã góp phần tích cực vào sự phát triển du lịch và ngược lại du lịch đã góp phần to lớn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống. Từ năm 2016, huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 05 về phát triển làng nghề gắn với du lịch giai đoạn 2015 - 2020, nhằm khai thác tốt hơn giá trị văn hóa, kinh tế của nghề, làng nghề và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm.

Trong năm 2018, Sở Du lịch đã khảo sát vị trí lắp biển chỉ dẫn phục vụ du lịch trên địa bàn xã Vân Từ, Chuyên Mỹ, Phú Túc.... Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã đón hơn 250 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và mua sắm sản phẩm làng nghề tập trung ở một số xã trên địa bàn. Với lợi thế về làng nghề và hệ thống hạ tầng giao thông, kinh tế ngày càng đồng bộ, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai xây dựng một số tuyến du lịch kết hợp giữa việc tham quan di tích lịch sử, nhà cổ, tìm hiểu nét văn hóa, tâm linh với tham quan, mua sắm sản phẩm ở làng nghề của xã Phú Yên, Vân Từ, Chuyên Mỹ...

     - Để hướng phát triển du lịch làng nghề có thể tiến xa hơn, việc bảo đảm môi trường làng nghề cần được coi trọng. Địa phương đã có những giải pháp cụ thể như thế nào để khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường ở các làng nghề trên địa bàn?

     - Như tôi đã nói ở trên, một trong những hạn chế, tồn tại ở các làng nghề của huyện Phú Xuyên là vấn đề ô nhiễm môi trường. Để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường ở các làng nghề trên địa bàn hiện nay, hướng tới phát triển du lịch làng nghề, huyện ủy, UBND huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thu gom, vận chuyển rác thải làng nghề về nơi tập kết để xử lý theo quy định và đầu tư kinh phí mua thiết bị máy móc để giảm thiểu khí thải, tiếng ồn trong sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư triển khai xây dựng 3 cụm làng nghề gồm Phú Túc, Phú Yên, Đại Thắng. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hiện trạng các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn có nhu cầu và khả năng bố trí quỹ đất để quy hoạch cụm làng nghề. Cụm làng nghề sẽ có hạ tầng đồng bộ từ bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống xử lý chất thải, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Từ đó, sẽ giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm hướng phát triển du lịch làng nghề ở Phú Xuyên hiệu quả và bền vững.

     - Xin cảm ơn bà!                                                  

Minh Lộc – Trung tâm VHTT&TT (Nguồn:daibieunhandan.vn)