TIN XÃ - THỊ TRẤN

Hiệu qủa từ mô hình mạ khay cấy máy ở xã Nam Triều
Ngày đăng 20/02/2020 | 10:09  | View count: 851

Hiện nay, đang là thời điểm bà con nông dân trong huyện xuống đồng cấy Xuân. Trong khi nhiều nơi bà con nông dân vẫn còn làm việc khá mệt nhọc trong những ngày mùa vụ thì ở xã Nam Triều, không khí lao động sản xuất cũng rất khẩn trương nhưng hầu hết mọi người thì lại rất vui vẻ và thoải mái.

      Chúng tôi tới xã Nam Triều trong chiều 14/2, đó là thời điểm cấy xuân của bà con nông dân trong xã. Từ trong các ngõ xóm ra tới ngoài đồng là những con đường đổ bê tông, sạch sẽ mặc dù trước đó mưa rả rích nhiều ngày liền.

      Trên những cánh đồng thôn Phong Triều, xã Nam Triều, không khí lao động sản xuất cũng rất khẩn trương cho kịp thời vụ. Nhưng sự tấp lập, khẩn trương lại chủ yếu diễn ra ở trên bờ, với công việc vận chuyển mạ khay phục vụ cấy; còn dưới ruộng thì những chiếc máy cấy và những chủ máy vẫn nhịp nhàng cấy lúa thẳng hàng, thẳng lối. Không còn cải cảnh người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, hiếm thấy nơi nào người nông dân lại cười nói vui vẻ, tinh thần thoải mái như nơi đây dù là trong những ngày chính vụ cấy. Trên chiếc xe máy chở các cháu đi thăm đồng, ông Nguyễn Hữu Quá, thôn Phong Triều vui vẻ cho biết: “Mạ khay cấy máy ở Nam Triều bây giờ là nhất, không còn ai cấy tay nữa. Năng suất lúa thì cao, cấy cầy đỡ vất vả, bà con phấn khởi lắm. Nhiều nơi ruộng bị bỏ hoang thật là phí,trong khi chúng tôi ở đây làm gì có ruộng mà cấy”.

      Đó là quang cảnh ngoài đồng ruộng còn trong làng, đi dọc các ngõ xóm chốc chốc ta lại bắt gặp những luống mạ khay được gieo trong vườn, bên sườn nhà hoặc tại sân nhà văn hóa. Vậy là trong những ngày tết hay những ngày giá rét thì bà con nhân dân vừa làm việc nhà, vừa vui xuân đón tết lại vẫn chăm sóc được mạ mới gieo đảm bảo kỹ thuật mà không vất vả. Chị Nguyễn Thị Bình, ở thôn Phong Triều, xã Nam Triều cho biết: “Từ khi có máy cấy là gia đình tôi hưởng ứng ngay. Lúc đầu thì nhờ chủ máy gieo mạ hộ nhưng hiện nay gia đình tôi đăng ký mua giá thể với HTX rồi mang về tự gieo lấy ở nhà. Che phủ nilon cũng đơn giản và chăm sóc cũng tiện hơn rất nhiều”.

      Được biết, xã Nam Triều là một trong những địa phương trong huyện đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và cũng là một trong những địa phương có nhiều sáng tạo, cải tiến nhằm tải sức lao động cho bà con nông dân. Hiện, trên địa xã có gần 30 máy cấy loại 4 hàng và loại 8 hàng. Từ khi triển khai đưa cwo giới hóa vào sản xuất, tỷ lệ lúa cấy bằng máy của xã tăng theo từng năm và đến vụ Xuân 2020 này đạt trên 90%, những diện tích còn lại hầu hết đều không thể cấy được bằng máy và vùng chuyển đổi. Điều đó có thể thấy những hiệu quả mà cấy máy mang lại cho bà con nông dân xã Nam Triều.

      Chị Nguyễn Thị Lan Anh, người dân xã Nam Triều vui vẻ nói: “Nhà tôi cấy máy được 4 năm nay, năng suất rất cao. Trước đây cấy tay rất vất vả, bây giờ có cấy máy bà con nhân dân rất phấn khởi. Vụ vừa rồi nhà tôi thu hoạch lúa ba dòng còn được 2,3 tạ/sào, gặt máy xong tôi còn sấy luôn rất tiện. Vụ Xuân này, một mình tôi cũng cấy 1,1 mẫu”.

      Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã từng bước thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của bà con nông dân nơi đây, cùng với đó đã giải quyết bài toán về diện tích ruộng mạ sau dồn điển đổi thửa. Nói về về những định hướng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Nam Triều, đồng chí Phan Cao Lạc – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Năm 2013, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, xã đã tổ chức vận động nhân dân dồn ô thửa lớn thành cánh đồng mẫu lớn, hình thành các mô hình sản xuất ít nhất từ 6 – 14 mẫu/mô hình. Cạc hộ xã viên làm kinh tế lúa – cá – vịt và cấy các giống lúa cao. Hiện nay trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ở xã Nam Triều, tỷ lệ áp dụng tiến bộ khoa học đồng bộ của xã vượt chỉ tiêu huyện giao, đạt trên 90%”.

      Sau khi tuyên truyền, vận động nhân dân dồn ô thửa lớn thành cánh đồng mẫu lớn, hiện Nam Triều đã tổ hình thành 14 cánh đồng mẫu lớn, tạo điều kiện cho cơ giới hóa sản xuất và gieo cấy cùng  một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Có thể thấy, khi máy móc thay thế sức người, hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt. Và đặc biệt là đất đã được khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý nên trên địa bàn xã không có tình trạng ruộng bỏ hoang như ở nhiều nơi. /.

Hoàng Bích – Trung tâm VHTT&TT