TIN XÃ - THỊ TRẤN

Nuôi cua, chạch đồng – hướng đi mới trong phát triển kinh tế
Ngày đăng 26/04/2022 | 10:32  | View count: 356

Cua và chạch đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn phổ biến dân dã. Hiện nay, do việc đánh bắt quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua, chạch đồng trong tự nhiên rất ít. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn và giá thành ngày một tăng cao, Ban giám đốc HTX nông nghiệp Phú Lãng – xã Quang Lãng đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi cua, chạch đồng trên diện tích cấy lúa kém hiệu quả, nhằm nâng cao thu nhập, tạo mô hình điểm tại địa phương.

      Để có diện tích thực hiện mô hình, Ban Giám đốc HTX đã mạnh dạn thuê thầu lại diện tích 2,2 mẫu đất cấy lúa kém hiệu quả của người dân. Sau khi thuê thầu, HTX đã đầu tư cải tạo bùn chân ruộng; đồng thời, gia cố lại các bờ ruộng chắc chắn, ngăn các bờ ruộng với bên ngoài bằng các tấm tôn sắt cao 1m và được cắm sâu xuống chân ruộng để cua và chạch không thoát ra ngoài. Sau đó, thực hiện bơm nước, thả thêm bèo tây (lục bình) để tạo môi trường sống cho cua, chạch sinh trưởng, trú ẩn.

Mô hình nuôi cua chạch đồng được gia cố bờ

      Cuối tháng 3/2022, HTX bắt đầu thả cua và chạch giống lứa đầu tiên, mật độ, khối lượng giống thả đối với cua là 35kg/sào, chạch là 45kg/sào, tổng trọng lượng giống nuôi đã thả là 1,6 tấn. Giống cua, chạch được thả nuôi là giống được nhân lên từ giống tự nhiên, nên có khả năng chống chịu bệnh tốt. Đối với nguồn thức ăn, HTX đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong mô hình như bèo, động vật phù sinh, bổ sung thêm các nguồn thức ăn cám gạo, bột ngô được nấu lên, trộn với cá tạp. Mỗi ngày, HTX thực hiện cho cua và chạch ăn 1 lần vào chiều tối. Sau một thời gian cua lớn thì giảm dần lượng thức ăn. Đến nay, qua thời gian thả nuôi, cua và chạch được đánh giá là sinh trưởng và phát triển tốt, ít bệnh.

      Cua đồng là loài sinh sản gần như quanh năm, tập trung từ tháng 4 đến tháng 8. Cua phát triển mạnh nhất vào những tháng hè, chỉ từ 2 đến 3 tháng nuôi là có thể cho bán cua thịt nên dự kiến mô hình sẽ cho xuất bán cua và chạch thịt từ giữa tháng 6. Tuy nhiên về mùa đông cũng có thể nuôi cua, chạch nhưng điều kiện về nhiệt độ và thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng đến sự tăng trưởng nên cua, chạch phát triển chậm hơn, kéo dài thời gian được xuất bán là 4 tháng.

Cho cua, chạch đồng ăn vào chiều tối

      Để tạo thêm nguồn thức ăn cho cua, chạch của mô hình, HTX đã xây dựng thí điểm 500 m2 chuồng trại để nuôi giun quế. Với lợi thế là địa phương nông nghiệp nên nguồn thức ăn để nuôi giun quế rất dồi dào, dễ thu mua như các các phế phẩm nông nghiệp, phân trâu bò. Hiện nay HTX cũng đã bắt đầu thả giun giống trong các chuồng nuôi.

Cua được nuôi sau thả giống được 20 ngày

      Được biết, để thực hiện mô hình, Ban Giám đốc HTX đã đầu tư nguồn vốn ban đầu cho mô hình đến nay là trên 900 triệu đồng. HTX kỳ vọng mô hình sẽ thành công, tạo tiền đề quan trọng để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật nuôi cua, chạch còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư giống và cơ sở vật chất để phục vụ việc chăn nuôi lớn, giá cả thị trường không ổn định. Đặc biệt khi mô hình cho thu hoạch xuất bán tập trung vào một thời điểm nhất định nên dự báo khó khăn trong khâu tiêu thụ. Để nhân rộng cũng như phát triển mô hình, HTX mong muốn có sự quan tâm của các cấp hỗ trợ về kinh phí nguồn giống, cơ sở vật chất, chuyển giao kỹ thuật để yên tâm đầu tư sản xuất, tạo hướng đi mới trong nông nghiệp ở địa phương./.

Minh Lộc – Trung tâm VHTT&TT huyện