Nhìn lại năm 2024, có thể thấy đây là một năm thành công trong CCHC của huyện 92,41 điểm xếp thứ 23/30 quận, huyện; tăng 0,8 điểm và tăng 7 bậc so với năm 2023, thuộc nhóm chuyển đổi số tiên phong của thành phố Hà Nội. Trong đó, Thành phố thẩm định đạt 63,26/70 điểm, đứng thứ 24/30 quận, huyện; điểm qua ĐTXXH đạt 29,15/30 điểm, đứng thứ 4/30 quận huyện, tăng 1,86 điểm so với năm 2023.
Đồng chí Lê Văn Bính - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: Mục tiêu của huyện là hướng đến xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, phục vụ và đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Huyện luôn xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo điều hành xuyên suốt. Bởi vậy, trong những năm qua, UBND huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác CCHC theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương nhằm tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các TTHC.
Một trong những tiêu chí dễ nhận diện, đánh giá trong CCHC là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bởi nó liên quan trực tiếp đến hiệu quả giải quyết công việc cũng như sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Xác định rõ vai trò của công tác này, UBND huyện thường xuyên đôn đốc các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn chủ động rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Yêu cầu bộ phận "một cửa" của UBND huyện và các xã, thị trấn công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.
Năm 2024, huyện và các xã, thị trấn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến trong công tác CCHC như "Ba tại nhà" và hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Từ đầu năm tới nay, huyện đã xử lý 1.139 hồ sơ theo các mô hình mới, tiết kiệm 4.160 giờ và 108.440.000 đồng.
Kết quả thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC năm 2024, tại UBND huyện có 184/184 lượt, cấp xã cũng có 6.790/6.790 lượt đánh giá hài lòng và rất hài lòng.
Bên cạnh cải cách TTHC, huyện Phú Xuyên cũng luôn chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hiện nay, các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng và sử dụng tốt hệ thống quản lý và điều hành, thư công vụ. 100% văn bản được gửi - nhận dưới dạng điện tử. Cổng thông tin điện tử huyện, trang thông tin điện tử các xã, thị trấn hoạt động ổn định và cung cấp đầy đủ các TTHC theo quy định. Các cuộc họp, hội nghị, giao ban trực tuyến được liên thông 3 cấp. Việc sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận "một cửa" cấp huyện và các xã, thị trấn đã đi vào nền nếp…
Để từng bước nâng cao hiệu quả làm việc, đẩy mạnh CCHC, huyện rất chú trọng công tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đã mở 12 lớp tập huấn cho hợn 4.500 học viên; tập trung vào các kỹ năng nghiệp vụ, như lập hồ sơ điện tử, kiểm soát thủ tục hành chính và ứng dụng chuyển đổi số. Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra và ban hành Kế hoạch kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những khó khăn, hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.
Nhờ đó, chất lượng giải quyết TTHC trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Điều này được minh chứng bằng kết quả đánh giá Chỉ số CCHC của huyện tăng 7 bậc, xếp thứ 23/30 huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.
Có thể nói, công tác CCHC của huyện Phú Xuyên đã có những bước chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy sự quyết tâm của huyện đối với công tác CCHC, tạo động lực để địa phương đạt được những mục tiêu cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới./.
Hoàng Bích - Trung tâm VHTT&TT