làng nghề truyền thống huyện phú xuyên

LÀNG ĐỒNG PHỐ: ĐI LÊN TỪ NGHỀ MỘC TRUYỀN THỐNG

Làng nghề truyền thống Đồng Phố ngày nay đang đà khởi sắc, bộ mặt làng quê khang trang, đời sống nhân dân ngày càng giầu có. Công trình văn hóa tâm linh đình làng được xây dựng bề thế đã hoàn thành là điều mong muốn cho làng được dân khang vật thịnh. Làng văn hóa, làng nghề Đồng Phố đang trên đường vươn tới tương lai.

      Làng Đồng Phố nằm ven theo bờ sông Nhuệ thuộc phía bắc xã Tân Dân, xưa kia là trang Đồng Bãi, người trong vùng thường quen gọi là làng Đồng Bồ. Trước năm 1945, Đồng Phố là một xã thuộc tổng Lương Xá. Sau năm 1948, 3 xã Quang Hưng, Già Cầu và Đồng Phố nhập thành xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên cho đến ngày nay. Làng có đình thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật, miếu thờ Thần, đền thờ Thần Nông, Văn chỉ thờ Khổng Tử. Đình làng thờ nhị vị Đại vương là: Đại Đô Thành Hoàng Đương Giang hộ quốc Linh Quang Đại vương, tên húy là Trương Ngưu, và Đương Cảnh Thành Hoàng Nam Hải anh linh Đại vương, tên húy là Lưu Ấn.

       Nằm ở vùng đồng chiêm trũng trung tây huyện Phú Xuyên, người Đồng Phố từ xưa sinh sống chính bằng nghề nông. Vốn đất đai màu mỡ lại được hưởng dòng nước mát đượm chất phù sa của dòng Nhuệ Giang, nên Đồng Phố là vựa lúa của Phú Xuyên mà tục ngữ ca dao truyền miệng đã có câu  “…Trai Bất Nạo/ Gạo Đồng Bồ/ Xôi khô Tạ Xá…”. Làng Đồng Phố cũng có nghề thủ công từ lâu là nghề thợ mộc, nhưng trước đây nghề nông vẫn là nghề chính, là nguồn thu nhập chính của dân làng. Thế nhưng “Dẫu rằng ruộng tốt bề bề/ Không bằng có lấy một nghề trong tay”, nên làm ruộng, nhất là trước đây khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa phát triển, nên thu nhập từ nông nghiệp thường chỉ đủ ăn, dư thừa cũng không được là bao, làng Đồng Phố ở vùng xa xôi hẻo lánh của huyện khó mà giầu lên được. Mãi cho đến thời kỳ đổi mới, mở cửa, kinh tế thị trường mở ra, người nông dân nói chung, nông dân Đồng Phố nói riêng bắt đầu nghĩ đến việc mở mang ngành nghề. Nhìn sang bên kia bờ sông Nhuệ, xã Chuyên Mỹ nhộn nhịp nghề khảm trai, sơn mài đang giầu lên; phía bên ngoài xã Tân Dân, nghề lưới- trã của Hà Thao khá sôi nổi; ở phía bắc, nghề may màn tuyn, cơ khí của Đại Thắng thật là nhộn nhịp; dưới phía nam, nghề may com lê Vân Từ đang thịnh vượng… Vậy sao Đồng Phố quê mình vốn có nghề thợ mộc lại nằm im? Chính đất Đồng Phố này xưa có nghề sản xuất đồ gỗ mà các cụ cao niên còn nhớ người đầu tiên đem nghề về cho làng là cụ Từ Trang cách đây đã đến 6 đời, có thể coi là cụ tổ nghề mộc dân dụng truyền thống của làng. Thời kỳ đổi mới mở ra, những người thợ nghề mộc dân dụng có cơ hội phát huy. Lãnh đạo địa phương quan tâm khuyến khích, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện tín chấp cho các hộ làm nghề vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Nghề mộc dân dụng truyền thống của làng Đồng Phố khởi sắc dần lên. Các mặt hàng đồ gỗ dân dụng như bàn, ghế, giường, tủ, các loại đồ thờ…được sản xuất khá phong phú. Các hộ có điều kiện về kinh tế đầu tư sản xuất các mặt hàng cao cấp như tủ chè, sập gụ, các bộ bàn ghế minh quốc, minh đào, thái sư, thái phượng…khảm trai long lanh trị giá đến vài chục triệu và có loại hàng trăm triệu đồng. Mặt hàng đồ gỗ của làng nghề truyền thống Đống Phố đến nay được khách hàng ưa chuộng, đã có mặt trên thị trường khắp các tỉnh trong cả nước. Về làng Đồng Phố bây giờ ta thấy đầy những ván gỗ dựng phơi ở tường dọc theo đường làng, khách xa đến biết ngay đây là làng sản xuất đồ gỗ. Các cơ sở sản xuất ngoài mặt đường, trong ngõ xóm rộn vui tiếng máy cưa, máy đục, máy khoan, máy bào; tiếng xe máy, xe ô tô chở vật liệu về, chở sản phẩm đi nhộn nhịp, sôi nổi của cuộc sống mới. Các đồng chí lãnh đạo địa phương cho biết, ngày nay, sản xuất tiểu- thủ công nghiệp của làng thu nhập gấp năm, bảy lần so với sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 27 triệu đồng/ người/ năm. Nhiều hộ thu nhập một vài chục triệu đồng/ năm. Có hộ doanh thu từ 80 triệu đến trăm triệu đồng/ năm. Tiêu biểu như hộ các ông Trần Văn Chiến, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Minh Chiến… doanh thu từ 800 triệu đến một tỷ đồng/ năm…

       Năm 2007, Đồng Phố được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề, đồng thời cũng được công nhận danh hiệu làng văn hóa. Điều đó tạo cho nhân dân Đồng Phố rất phấn khởi, càng ra sức mở mang phát triển nghề truyền thống của làng. Với dân số 3020 nhân khẩu, 776 hộ, bây giờ làng Đồng Phố đã có tới 80% số hộ làm nghề sản xuất đồ gỗ dân dụng. Một Câu lạc bộ (CLB) làng nghề đã được thành lập gồm 115 thành viên do ông Trần Văn Chiến làm chủ nhiệm, tạo điều kiện cho việc liên doanh liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, giúp nhau mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho CLB và cho cả làng.

       Từ một làng thuộc “vùng sâu vùng xa” của huyện, giao thông đi lại khó khăn, do nghề truyền thống phát triển, đời sống khá lên, không chỉ đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nhà cửa khang trang, mà đường giao thông ra bên ngoài cũng được mở mang, thuận lợi cho giao thương làng nghề phát triển. Bây giờ, làng đã có 10 xe ô tô tải phục vụ chuyên chở hàng đi hàng về. Cũng do nghề truyền thống phát triển cho thu nhập khá, mấy năm gần đây Đồng Phố đã đầu tư xây dựng được nhà văn hóa khá khang trang, là nơi hội họp, giao lưu văn hóa văn nghệ, luyện tập và thi đấu thể dục thể thao của cả làng; rồi xây được cổng làng cũng khá bề thế. Đặc biệt hơn nữa là do nghề truyền thống phát đạt làm cho dân giầu, làng mạnh, làng Đồng Phố đã đủ điều kiện xây dựng lại ngôi đình làng mà trong kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp ở bốt Cói đã đến đốt phá. Ngôi đình được khởi công xây dựng lại bắt đầu từ năm 2015 bằng nguồn kinh phí hoàn toàn xã hội hóa tới 3 tỷ đồng. Xây dựng lại ngôi đình làng là nguyện vọng, là mơ ước của cả làng từ bao năm nay. Nay được quyết định xây dựng lại, toàn thể nhân dân trong làng và những người con xa quê đều đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp công đức cho công trình lớn của quê hương. Nhiều hộ công đức từ 2 triệu đồng trở lên; có hộ ủng hộ tới hàng trăm triệu đồng, như hộ ông Trần Ngọc Sếnh công đức 108 triệu đồng, bà Phan Thị Đua 100 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Tư 100 triệu đồng… Hội Người cao tuổi, Hội đồng niên, các ngành đoàn thể, các dòng họ… đều công đức cho công trình xây dựng đình làng. Ngôi đình được xây dựng kiên cố, bền vững trên nền đình cũ với diện tích rộng 300 mét vuông (rộng hơn đình cũ) trên khuôn viên hơn 1000 mét vuông. Giếng nước cổ ngay sát sân đình cũng được xây dựng lại. Đến nay, công trình xây dựng đình của làng Đống Phố đã được hoàn thiện và toàn dân làng Đồng Phố đang tưng bừng, nhộn nhịp, khần trương chuẩn bị cho ngày đại lễ: ngày khánh thành công trình xây dựng đình làng, đồng thời cũng là ngày khôi phục lễ hội làng truyền thống, đó là ngày 12 tháng 8 Đinh Dậu, tức ngày 01/10/2017.   

       Làng nghề truyền thống Đồng Phố ngày nay đang đà khởi sắc, bộ mặt làng quê khang trang, đời sống nhân dân ngày càng giầu có. Công trình văn hóa tâm linh đình làng được xây dựng bề thế đã hoàn thành là điều mong muốn cho làng được dân khang vật thịnh. Làng văn hóa, làng nghề Đồng Phố đang trên đường vươn tới tương lai.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU                                                    

ĐÌNH LÀNG ĐỒNG PHỐ

Công trình đang hoàn thiện

Công trình đã hoàn thiện  

Cổng làng Đồng Phố

 

Sản phẩm đồ mộc dân dụng  

Công đoạn bào bằng máy của thợ làng Đồng Phố

Phụ nữ Đồng Phố cũng là thợ mộc  (khoan, đục gỗ)

Công đoạn sơn sản phẩm

Tủ chè khảm trai- sản phẩm đồ gỗ cao cấp của ông Trần văn Chiến

Bài và ảnh: Cao Xuân Quế -  Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên