Sôi động phiên livestream bán hàng dịp cuối năm
Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người dùng thường thấy mặt hàng được bày bán như: Quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ ăn… nhưng nay, 1 số phiên livestream của huyện Phú Xuyên cũng mang cả hoa, quất cảnh lên để tiếp cận khách hàng. Những ngày cuối năm Giáp Thìn 2024, phiên livestream của xã Hồng Thái về một số mặt hàng nông sản của địa phương như quất, đào, hoa lan… đã thu hút khá đông người xem và mua sắm trực tuyến.
Vườn quất cảnh của gia đình anh Phan Văn Hà, thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái có diện tích 3 mẫu, dịp tết mỗi năm bán ra thị trường khoảng gần 2.000 cây quất. Trước đây, chủ yếu là khách quen tới đặt mua, có năm khách đặt mua ít, gia đình anh phải huy động nhân lực để mang đi các nơi bày bán. Nhưng năm nay, hơn một nửa số cây quất cảnh của gia đình anh đã được khách hàng đặt mua chỉ sau 01 phiên livestream bán hàng trực tiếp tại vườn. Anh Phan Văn Hà phấn khởi nói: "Đây là cách tiếp cận khách hàng mới và rất hiệu quả. Phiên livestream ở vườn quất giúp khách hàng như được tham quan thực tế tại vườn. Qua màn hình, khách hàng có thể nhìn thấy từng cây quất được chăm sóc tỉ mỉ, từ màu sắc lá đến độ chín của quả...."
Liên kết, thúc đẩy livestream và thương mại điện tử
Theo thống kê, năm 2023, doanh thu từ thương mại điện tử trên địa bàn huyện chỉ đạt 147 tỷ đồng, thì năm 2024, doanh thu kê khai từ các hộ kinh doanh đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm trước... Qua đó đưa doanh số bán hàng trực tuyến của các làng nghề trên địa bàn huyện tăng 7 lần.
Có thể thấy, việc phát triển hình thức livestream bán hàng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, một số công ty, doanh nghiệp, sản xuất cũng áp dụng xu hướng này. Trước tình hình khó khăn vì lượng khách hàng sụt giảm, ông Trần Văn Huyên – xã Khai Thái quyết định sử dụng kênh mạng xã hội và livestream để tiếp cận khách hàng mới. "Thời gian qua, việc tiếp cận khách hàng mới với cơ sở chăn nuôi của gia đình tôi đôi khi gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham gia lớp đào tạo bán hàng online tôi thấy đây là kênh bán hàng rất hiệu quả và chúng tôi sẽ học hỏi, áp dụng tại cơ sở chăn nuôi ếch của gia đình", ông Trần Văn Huyên cho biết.
Hiện, nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của các địa phương được livestream trên hàng loạt kênh mạng xã hội và đã đạt được kết quả khả quan. Nhiều chủ cơ sở dù lớn tuổi nhưng vẫn rất tích cực thay đổi phương thức bán hàng, mong muốn tiếp cận được nhiều khách hàng và tăng doanh thu.
Huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu trong tương lai sẽ trở thành thủ phủ bán hàng online của Thủ đô. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phú Xuyên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Hỗ trợ bao bì, nhãn mác, thiết kế sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng; tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan làng nghề xanh, sạch, đẹp kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, giúp người dân làng nghề tự tin tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước, trang bị cho mỗi xã, thị trấn 1 bộ dung cụ dùng để livestream, người dân có thể đăng ký trực tiếp thực hiện các buổi livestream của mình. Với phương pháp trên, các cá nhân, tổ chức đang kinh doanh theo phương pháp truyền thống, chưa có điều kiện tự livestream bán hàng, có thể từng bước chuyển mình sang các mô hình kinh doanh hiện đại, dựa trên nền tảng sự phát triển của thương mại điện tử và những giải pháp bán lẻ mới như livestream.
Cùng với đó, UBND huyện cũng đã ký kết hợp tác với Viettel Post để cung cấp các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, qua đó hỗ trợ người dân một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Tin tưởng rằng, với nỗ lực đồng bộ, Phú Xuyên sớm trở thành điểm sáng của Thủ đô về chuyển đổi số, thương mại điện tử, góp phần nâng tầm giá trị cho các làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp của địa phương...
Hoàng Bích – Trung tâm VHTT&TT