VĂN HÓA - XÃ HỘI

Thích ứng an toàn rất cần ý thức trách nhiệm của người dân
Ngày đăng 27/10/2021 | 09:09  | View count: 477

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca bệnh Covid 19 mới trong cộng đồng như tại huyện Thường Tín, Quốc Oai… Liên quan đến ổ dịch Covid-19 huyện Quốc Oai, tính đến sáng 25/10 tổng số đã tăng lên 12 ca F0. Đáng lo ngại, trong số 12 F0 này, nhiều người có địa chỉ thường trú ở địa phương khác, nên nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao.

      Hiện nay, cùng với các địa phương khác trong thành phố và cả nước, huyện Phú Xuyên chuyển trạng thái từ “không Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục, tinh thần, cuộc sống người dân có sức sống vui tươi hơn, lạc quan hơn. Tuy dịch bênh đang được kiểm soát nhưng trong tình hình mới hiện nay thì vẫn còn đó những yếu tố dẫn đến dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nếu chúng ta chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tự bảo vệ mình, bảo vệ cho người thân và toàn xã hội.

      Tuy nhiên thực tế những ngày vừa qua, trước những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện nên nhiều người dân đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là, một số người chủ quan cho rằng: “Tiêm 2 mũi rồi lo gì, bù lại những ngày bị giãn cách” và tại một số nơi công cộng cũng đã có tình trạng người dân không đeo khẩu trang đi lại trên đường, nhiều người đã tụ tập gặp gỡ liên hoan, nhiều người đi mua sắm hoặc tới nhà hàng, quán ăn không thực hiện quết mã QR, có nhiều người còn vô tư đưa con nhỏ tới những chỗ đông người... Với cách nhìn nhận như vậy, nhiều người dân đang truyền đi lối sống chủ quan tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm là rất cao. Mà ngay cả với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid 19 thì ngành y tế đã có khuyến cáo, họ vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.

      Rút kinh nghiệm từ những làn sóng dịch trước đây, mỗi người dân và chính quyền các cấp cần tiếp tục cảnh giác, nêu cao trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng mang cái riêng của mình góp vào cái chung và vì cái chung mà hy sinh cái riêng của mình.

      Để sống chung với Covid-19 thì người dân cần hiểu biết và thực hiện nghiêm cách thức phòng chống theo nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân và các biện pháp khác”. Trong đó, ý thức trách nhiệm của người dân là yếu tố quyết định; phát huy vai trò người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

      Thực tiễn cho thấy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành y tế trong việc truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị, thì sự đồng lòng ủng hộ của người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng là điều kiện quan trọng hàng đầu để kịp thời khống chế dịch bệnh. Mỗi người dân cần tự ý thức, hết sức cân nhắc để tự hạn chế và kiểm soát nhu cầu đi lại, nhu cầu giao tiếp, tụ tập nơi đông người… của bản thân. Chúng ta cần mạnh mẽ, cần đồng sức, đồng lòng, đồng tâm để chiến thắng đại dịch./.

Hoàng Bích – Trung tâm VHTT&TT