VĂN HÓA - XÃ HỘI
Ngày 26/4, UBND huyện phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Phú Xuyên với các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Dự chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; đại diện các Hiệp hội du lịch, Lữ hành và gần 30 doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Cương - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, đồng chí Nguyễn Mạnh Huy - UV BTV - PCT UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ngành huyện và lãnh đạo một số xã liên quan.
Trước khi vào làm việc tại hội trường, các đại biểu đã đi tham quan, khảo sát 6 địa điểm du lịch là Chùa Ráng - xã Quang Lãng, làng Cựu – xã Vân Từ, làng nghề giày da - xã Phú Yên, khảm trai xã Chuyên Mỹ, làng nghề mộc xã Tân Dân và cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ xã Sơn Hà.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Huyện hiện có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; có 120 di tích lịch sử được xếp hạng và một số danh lam thắng cảnh có giá trị về mặt tâm linh, văn hoá. Huyện cũng gìn giữ được nhiều di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như nặn tò he, hò cửa đình – múa hát bài bông, ca trù, hát chèo, hát trống quân … Huyện cũng được thành phố công nhận 2 điểm du lịch làng nghề là làng nghề may Vân Từ và làng nghề khảm trai sơn mài Chuyên Mỹ.
Để phát triển du lịch, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển điểm du lịch làng nghề, gắn du lịch trải nghiệm và tuyến du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025. Trong đó phấn đấu phát triển thêm từ 3 – 5 làng nghề được công nhận là điểm đến du lịch, phát triển các tuyến du lịch kết nối các làng nghề, xây dựng 1 điểm trung tâm giới thiệu và trưng bày sản phẩm làng nghề..v..v
Tại hội nghị, các đại biểu đã được xem video giới thiệu về nguồn lực phát triển du lịch huyện Phú Xuyên, nghe quảng bá Điểm du lịch làng nghề xã Phú Yên, Vân Từ và Chuyên Mỹ. Các đại biểu cũng thảo luận, nêu lên những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các giải pháp trong phát triển du lịch tại huyện Phú Xuyên như: cần phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp liên kết với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, phải tạo được nét riêng của du lịch làng nghề, thương hiệu làng nghề; việc lưu truyền, giữ gìn nét văn hoá truyền thống; công tác bảo tồn các công trình như cổng làng, công trình tôn giáo; việc phát triển hệ thống giao thông, các dịch vụ phục vụ du khách, thiếu khu mua sắm hoặc sản phẩm du lịch đa dạng theo hướng có nhiều hoạt động cho du khách trong nước, quốc tế trải nghiệm.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Huy - UVBTV - PCT UBND huyện cho biết: để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề, huyện cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông để kết nối các điểm du lịch; đồng thời, tổ chức triển khai xây dựng, khởi công được 3 cụm công nghiệp làng nghề, trong đó cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, Phú Túc đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng. Đồng chí mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp Lữ hành phối hợp với huyện từng bước xây dựng phát triển các tuyến du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống./.
Minh Lộc – Trung tâm VHTT&TT huyện