VĂN HÓA - XÃ HỘI
Theo dự báo, năm 2023, các hiện tượng thời tiết, thủy văn có thể có những diễn biến phức tạp, khó lường; cần đề phòng với các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn dễ gây ngập úng cục bộ…ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, các hiện tượng thời tiết cực đoan, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp, phương án đồng bộ với phương châm: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Huyện Phú Xuyên có tuyến đê hữu Hồng với chiều dài 18,15km; trong đó có 16,55km là đê cấp I và 1,6km là đê cấp III. Đê có 3 kè là kè Cát Bi, Đại Gia và kè Quang Lãng với tổng chiều dài 4,1 km; có 7 cống qua đê và 17 điếm canh đê; 2 kho bãi vật tư dự trữ PCLB. Ngoài 4 trạm bơm đầu mối trên đê sông Hồng, trên địa bàn huyện còn có 159 trạm bơm tưới, tiêu, tưới tiêu kết hợp trên hệ thống kênh thủy lợi trục chính, kênh nội đồng ở các xã, thị trấn phục vụ tiêu thoát nước và tưới cho diện tích nông nghiệp của huyện. Hiện tại theo đánh giá của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, các công trình thủy lợi trên đê hoạt động ổn định, đảm bảo công tác tưới tiêu, phục vụ phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện.
Trạm bơm Quang Lãng
Song song với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống thiên tai xảy ra. BCH PCTT&TKCN huyện cũng đã ban hành 4 phương án là phương án phòng chống úng ngập năm 2023, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn huyện, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và phương án bảo vệ các trọng điểm, điểm xung yêu và cứu hộ toàn tuyến đê Hữu Hồng huyện Phú Xuyên năm 2023. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến mọi tầng lớp nhân dân. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với mọi tình hình diễn biến của thiên tai; thường xuyên kiểm tra các công trình đê điều, hệ thống thoát nước, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ tốt công tác sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
Hệ thống thuỷ lợi nội đồng được cứng hoá
Cũng để huy động lực lượng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức Hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai và TKCN trên địa bàn huyện năm 2023. Trên cơ sở các tình hình huống dự kiến có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT- TKCN huyện đã hiệp đồng cụ thể với các cơ quan chức năng, các đơn vị quân đội được tăng cường và đóng quân trên địa bàn về lực lượng, phương tiện, bảo đảm cơ động nhanh, thuận tiện cơ động và triển khai đội hình thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với đặc thù nghiệp vụ của từng đơn vị.
Sự chuẩn bị chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ” của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể là cơ sở bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 của huyện được thực hiện hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có tình huống xảy ra./.
Minh Lộc – Trung tâm VHTT&TT huyện