QUỐC PHÒNG - AN NINH - PHÁP LUẬT

Đảng bộ huyện Phú Xuyên lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân quyết tâm bảo vệ giữ vững trận địa cầu Giẽ, duy trì mạch máu giao thông thông suốt trong chiến dịch 12 ngày đêm 1972
Ngày đăng 19/12/2017 | 15:51  | View count: 1439

Cách đây 45 năm, bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”.

      Trong cuộc chiến đấu này, bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam đã cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội chiến đấu với ý chí quyết tâm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “không có gì quý hơn độc lập tự do”, đánh thắng không quân địch trong 12 ngày đêm khốc liệt bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, đập tan ý chí xâm lược của giới cầm quyền nước Mỹ lúc đó; buộc chúng phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Trong thành tích đó, có đóng góp của quân và dân huyện Phú Xuyên anh hùng.

      Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam thủ đô Hà Nội có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của Thủ đô. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên có truyền thống anh hùng trong chiến đấu và lao động sản xuất. Là một vùng quê chiêm trũng, có nhiều nghề thủ công truyền thống, nhân dân cần cù, sáng tạo, đoàn kết, thương yêu nhau. Có hệ thống giao thông thủy, bộ có giá trị trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh. Đường quốc lộ 1A, con đường chiến lược chạy suốt đất nước, qua địa phận Phú Xuyên (cả đường sắt và đường bộ); có những cầu tuy không lớn nhưng rất quan trọng như Cầu Giẽ, ga Phú Xuyên, khu công nghiệp Vạn Điểm, đê kè là những trọng điểm mà đế quốc Mỹ sẽ dùng không quân đánh phá.

      Cầu Giẽ có tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa xã hội và quốc phòng, an ninh; là cầu nối giao lưu kinh tế - quốc phòng giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Nam. Theo truyền thuyết, tên gọi cầu Giẽ bắt nguồn từ khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, tháng 01-1789 có dừng chân tại đây và chia quân làm 3 mũi, tiến đánh giặc Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long, nên gọi là cầu Giẽ. Trận mở màn là tiêu diệt đội quân do thám của giặc Mãn Thanh tại đồn tiền tiêu Phú Xuyên. Đến thời vua Gia Long (1802), có bắc cầu tre gỗ, sau đó nhân dân mới bắc đò qua sông Mang Giang, nay là bến đò Bài Lễ, xã Châu Can. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, làm tuyến đường sắt qua đây (năm 1903), cầu sắt thép dài 160 mét cho cả xe lửa và ô tô đi chung. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cả thực dân Pháp và phát xít Nhật đều điều lính xuống bảo vệ chiếc cầu này. Nhưng chiếc cầu này đã bị không quân của đồng minh đánh sập. Hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), ta làm lại cầu, làm cầu đường bộ riêng như hiện nay. Như vậy, cầu Giẽ có tầm quan trọng chiến lược trên con đường quốc lộ 1A xuyên quốc gia Việt Nam.

      Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, chúng tập trung đánh phá nhiều đợt, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Để bảo vệ chiếc cầu quan trọng này, Tỉnh đội Hà Tây, Huyện ủy, UBND huyện xây dựng cụm chiến đấu đã được thành lập ở 3 xã Đại Xuyên, Phú Yên, Châu Can.

      Địch tập trung đánh phá nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau, nhằm đánh sập cầu Giẽ và ý chí chiến đấu của ta. Đợt thứ nhất là từ ngày 12 - 15/7/1966, với các loại máy bay phản lực loại F44, 4A, 303, F101… Qua 4 ngày, cụm chiến đấu cầu Giẽ phối hợp với các lực lượng phòng không bảo vệ phía Nam Hà Nội đã hạ 07 chiếc máy bay địch. Cầu Giẽ vẫn an toàn, đảm bảo giao thông liên tục với tiền tuyến lớn. Đợt thứ hai, liên tục trong 22 ngày đêm, từ ngày 01 - 22/7/1967. Mức độ xâm nhập và đánh phá lần này ác liệt hơn, với 368 lần chiếc máy bay địch oanh tạc, gần 800 quả bom phá, hơn 6000 quả bom bi. Hầu hết các trọng điểm trên địa bàn huyện đều bị đánh phá. Các thôn: Cổ Trai xã Đại Xuyên, Bài Lễ xã Châu Can, Lịm xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên) bị đánh với tính chất hủy diệt. Cầu Giẽ vẫn kiên cường, hiên ngang chở những đoàn người, đoàn xe tiến về Nam, góp phần vào chiến thắng chung của nhân dân miền Bắc trước âm mưu của đế quốc Mỹ  với chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

      Năm 1972, khi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của tổng thống Ních Xơn đang đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để gỡ thất bại đó, Ních Xơn vội vã đưa một lực lượng lớn không quân và hải quân trở lại chiến trường, ngang nhiên dùng không quân ném bom trở lại miền Bắc với mức độ vô cùng ác liệt, “Quyết đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.

      Trước hành động phiêu lưu chiến tranh mới của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị họp ngày 01/06/1972 chỉ rõ: Mọi hoạt động của miền Bắc khẩn trương chuyển hướng cho phù hợp với tình hình mới. Trước mắt, kiên quyết chiến đấu, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại mới của đế quốc Mỹ, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, chuyển hướng kinh tế cho thích hợp với điều kiện có chiến tranh. Thấm nhuần Nghị quyết của Bộ chính trị, Huyện ủy Phú Xuyên tổ chức quán triệt, xây dựng Nghị quyết thực hiện, đồng thời rút kinh nghiệm về tổ chức chiến đấu, sản xuất và đề ra những chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là phải chủ động trước những đợt tấn công của không lực Hoa Kỳ. Tuy các trận đánh của địch có giảm đi so với trước, nhưng vũ khí hiện đại, tối tân hơn nhiều. Do vậy cuộc đụng đầu với giặc càng trở nên ác liệt hơn. Đợt thứ 3 giữa không quân Mỹ của nhân dân Phú Xuyên rất dài ngày và cường độ cũng tùy theo diễn biến trên chiến trường miền Nam.

      Trận đánh đầu tiên vào ngày 02/6/1972, địch huy động 22 máy bay, ném 36 quả bom hạng nặng xuống khu vực cầu Giẽ, trong đó có cả bom hồng ngoại, tia laser để điều khiển. Với tinh thần cảnh giác cao, lực lượng trực chiến của ta luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ mục tiêu. Trong suốt tháng 6, tháng 7 năm 1972, nếu như trên chiến trường chính miền Nam, những chiến thắng của quân và dân ta đã tạo nên niềm tự hào về “mùa hè đỏ lửa”, thì ở miền Bắc, nhân dân cũng làm cho đế quốc Mỹ nhiều trận khốn cùng.

      Ngày 06/7/1972, hai lần địch đánh vào ban đêm xuống khu vực cầu Giẽ. Huyện ủy chỉ đạo lực lượng dân quân, du kích và bộ đội chiến đấu quyết liệt bảo vệ được mục tiêu. 4 nữ dân quân Phú Yên (là các đồng chí Chúc, Phượng, Thúy, Quy) bị thương vì bom xuyên, nhưng quyết không rời trận địa và chiến đấu rất dũng cảm. Ngày 22/7/1972, địch đánh vào trận địa cầu Giẽ thuộc địa phận xã Châu Can, các trận địa phối hợp tác chiến bắn đuổi địch, giữ được cầu. Ngày 16/9/1972 không quân Mỹ mở chiến dịch ồ ạt đánh phá các trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên phối hợp chặt chẽ với bộ đội không quân đánh trả máy bay địch bảo vệ vững chắc các mục tiêu. Khu vực cầu Giẽ, Nhà máy đường Vạn điểm là những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Một chiếc F-4H của địch bổ nhào vào Nhà máy Đường Vạn điểm thì bị trúng đạn nghiêng ngả, đài quan sát phát hiện một luồng khói đen kịt lao thẳng xuống đất. Trận địa phá cao xạ 37mm  và dân quân khu vực cầu Giẽ cũng bắn bị thương một chiếc khác. Ngày 6/10/1972, địch huy động trở lại nhiều tốp máy bay đánh vào cụm cầu Giẽ. Đơn vị C3 Ngô Quyền của tỉnh Hà Tây cũ và dân quân huyện Phú Xuyên đã phối hợp chiến đấu hạ 1 F - 4H thứ 2 máy bay Mỹ.

      Ngày 14-12-1972, tổng thống Mỹ Nich-Xơn phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Lai-nơ-bếch-cơ II. Nich-Xơn khẳng định: "Bằng cuộc tập kích đường không chiến lược này, chúng ta sẽ bắt Hà Nội phải quỳ gối, sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá". 

      Đêm ngày 18/12/1972, không quân Mỹ mở chiến dịch Linebacker II đánh phá Hà Nội - Hải Phòng. Chúng huy động pháo đài bay B52 kết hợp với lực lượng không quân điên cuồng đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao cảnh giác sẵn sàng bước vào cuộc đọ sức lịch sử với không quân Mỹ - bảo vệ bầu trời Thủ đô yêu dấu, bảo vệ huyết mạch giao thông. Thấm nhuần chân lý “Không có gì hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, từ những kinh nghiệm được rút ra sau từng trận đánh, chủ chốt đối phó đã phát động được sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện; Huyện đội đã chỉ đạo các đơn vị dân quân tự vệ củng cố công sự trận địa, tích cực ngụy trang nghi binh, giúp bộ đội phòng không khiêng pháo cao xạ 37mm vào bố trí trận địa, đón lõng trên các hướng bay của không quân địch. Tăng cường hệ thống đài quan sát thông báo, báo động. Thả hàng trăm quả kinh khí cầu, gài thêm thuốc nổ buộc máy bay địch phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho bộ đội phòng không, không quân ta xuất kích, tiêu diệt máy bay địch. Ngày 22-12-1972, địch huy động nhiều tốp máy bay đánh vào cụm chiến đấu cầu Giẽ. Đơn vị C3 Ngô Quyền của tỉnh Hà Tây và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên phối hợp với bộ đội phòng không, không quân chiến đấu ngoan cường, mưu trí, bắn rơi 01 máy bay của giặc Mỹ, bắt sống tên trung tá Uy-li-am Oan tơn Co-lie, sĩ quan chuyên gia về chiến tranh điện tử. Sau này khi thực hiện bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trả lời phỏng vấn của các nhà báo Việt Nam, ông ta thú nhận “Thật ra kỹ thuật là một chuyện, con người sử dụng nó lại là chuyện khác. Tôi còn quá may mắn, 5 người còn lại đã chết cháy, không thoát được một ai”. Đây cũng là chiến công oanh liệt của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Xuyên trên trận địa cầu Giẽ kiên cường. Ngày 30-12-1972, tổng thống Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ ta nối lại Hội đàm ở Pari. Bầu trời Hà Nội trong xanh hơn, cầu Giẽ kiên cường lại tấp nập đón những chuyến xe lao nhanh về mặt trận phía Nam, tích cực cho trận quyết chiến chiến lược, tấn công sào huyệt cuối cùng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Xuyên không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ cầu Giẽ mà còn tích cực chi viện sức người, sức của cho miền Nam.                                                                            

Chiến đấu bắn rơi máy bay giặc Mỹ của quân và dân Phú Xuyên

      Suốt trong 12 ngày đêm từ ngày 18/12 - 30/12/1972, Mỹ đã huy động 92 lần chiếc máy bay ném bom vào các trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Bắn tên lửa, rốc két tàn phá khu vực Nhà máy đường Vạn Điểm và cầu Giẽ, giết hại nhiều người dân vô tội. Nhưng mỗi tấc đất Phú Xuyên là một pháo đài quân sự vững chắc, mỗi người Phú Xuyên là một chiến sĩ, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, truyền thống yêu nước đánh giặc, giữ nước, giữ làng, giặc đến nhà trẻ già cũng đánh, chủ động nắm tình hình đối phó, không bị bất ngờ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Xuyên đã liên tục chiến đấu và giành thắng lợi oanh liệt. LLVT và nhân dân huyện Phú Xuyên đã góp phần cùng với quân dân cả nước đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B52 của Mỹ, bảo vệ bầu trời phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Tên tuổi chàng trai cầu Giẽ, trung đội nữ du kích Phú Yên, những cô pháo thủ làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân còn vang mãi cùng với mảnh đất Phú Xuyên anh hùng. Đế quốc Mỹ phải đền tội khi xâm phạm vùng trời phía Nam của Thủ đô Hà Nội. Quân và dân Phú Xuyên đã hiệp đồng tác chiến, phối hợp cùng bộ đội chủ lực tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, chiến đấu 241 trận, bắn rơi 13 máy bay giặc Mỹ. Chiến dịch cứu bóng trước khung thành, nỗ lực quân sự cuối cùng của đế quốc Mỹ bị thất bại thảm hại. LLVT Phú Xuyên đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, ghi một nốt nhạc hào hùng vào bản anh hùng ca trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" lịch sử.

      Trực tiếp chiến đấu, bảo vệ hậu phương, chi viện cho tiền tuyến, quân và dân Phú Xuyên đã làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ “người lính gác, bảo vệ thủ đô, bảo vệ quê hương” trên cụm chiến đấu cầu Giẽ, phá tan những âm mưu, thủ đoạn đánh phá nham hiểm, tàn ác của địch, quân và dân Phú Xuyên đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trực chiến chiến đấu giữa mưa bom bão đạn, phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh và bộ đội phòng không, không quân  hợp đồng tác chiến, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, bảo vệ quê hương, bảo vệ cầu Giẽ và tuyến đường số 1A nối liền mạch máu giao thông giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Sản xuất và đời sống nhân dân vẫn được giữ vững và phát triển. Đó là xương máu của bộ đội, của nhân dân và lực lượng vũ trang huyện, sự hy sinh cũng như đóng góp vô cùng lớn lao của toàn thể nhân dân huyện Phú Xuyên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện. Với các thành tích quan trọng trên, huyện Phú Xuyên được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1996; có 6 xã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (có 3 xã Châu Can, Phú Yên, Đại Xuyên trong cụm chiến đấu cầu Giẽ); có 04 cá nhân được phong tặng, truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương chiến công Hạng 3 vì đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, 32 Huân chương kháng chiến cho các cơ sở, 10 Huân chương chiến công các loại, 142 cờ Quyết thắng, 6.855 Huân chương kháng chiến, 3.399 Huy chương kháng chiến các loại, 650 Bằng khen và nhiều phần thưởng thi đua, bằng khen về công tác sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu; 28 gia đình liệt sĩ tiêu biểu được tặng Huân chương độc lập.

      Cầu Giẽ vẫn hiên ngang, kiên cường đưa đón những đoàn tàu, đoàn xe rầm rập qua lại. Chiến công cầu Giẽ mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Phú Xuyên, mệnh danh là “Hàm rồng của Hà Tây”, của những cô gái, chàng trai cầu Giẽ kiên cường trong lịch sử Hà Tây quê lụa (trước đây) và là niềm tự hào chung của nhân dân Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Mảnh đất Phú Xuyên giàu truyền thống cách mạng, con người tài hoa, cần cù, nhân hậu mãi mãi sáng danh quê hương "Bách nghệ tinh hoa", đang chung sức xây dựng Phú Xuyên thành một huyện Nông thôn mới của Thủ đô Hà Nội.

      Có được những thắng lợi trên là do Huyện ủy, HĐND, UBND, LLVT huyện Phú Xuyên luôn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; luôn “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”; Phát huy sức mạnh tổng hợp; Bố trí, sử dụng các lực lượng hợp lý nhằm phát huy hiệu quả tất cả các lực lượng, các loại vũ khí trang bị hiện có tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch ở mọi độ cao, mọi hướng; Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta, đặc biệt là nguồn sức mạnh của các lực lượng vũ trang và của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện.

      Phát huy những chiến thắng đó, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành Chương trình số 08-CTr/HU, ngày 08/01/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn huyện Phú Xuyên” luôn nâng cao tiềm lực, củng cố quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Hoàn thành nhiệm vụ tuyển giao quân hàng năm. Xây dựng huyện Phú Xuyên thành khu vực phòng thủ vững chắc. Hoàn thiện chiến lược phòng thủ từ xa, tạo thế phòng thủ chủ động từ xã, thị trấn, thôn, làng. Tập trung xây dựng và nâng cao sức mạnh tổng hợp; chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ.

      45 năm đã qua đi, âm hưởng hào hùng của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn là mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc. Chiến thắng đó mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam; tô thắm thêm trang sử hào hùng, của nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quân và dân huyện Phú Xuyên, là cội nguồn sức mạnh để lực lượng vũ trang huyện hôm nay ngày càng vững mạnh và trưởng thành, xứng đáng là thanh bảo kiếm sắc bén, là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Phú Xuyên./.

Nguyễn Thị Hòa - Ban Tuyên giáo Huyện ủy