TIN XÃ - THỊ TRẤN
Từ việc chỉ quen nuôi các loài cá truyền thống như: cá mè, cá trôi, cá trắm, cá chép…cho thu nhập thấp, Ông Nguyễn Thế Sơn và ông Vũ Văn Thoả ở xã Đại Xuyên đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình Tôm càng xanh và đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ trước đến nay, người nông dân trên địa bàn xã Đại Xuyên chỉ quen với việc nuôi các loài cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi cho thu nhập thấp. Nông dân chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi con tôm càng xanh trong ao đất, bởi suy nghĩ con tôm chỉ được nuôi ở các địa phương ven biển.
Để thực hiện được ước mơ đưa giống tôm càng xanh nuôi trên chính mảnh đất quê hương mình, Ông Nguyễn Thế Sơn và ông Vũ Văn Thoả đã bàn bạc kỹ lưỡng và tìm hiểu rất nhiều nơi rồi quyết định mạnh dạn đầu tư nuôi. Tháng 4/2022, ông Thỏa và ông Sơn đã thả thử nghiệm hơn 2kg tôm giống, sau hơn 6 tháng nuôi đã hu hoạch được hơn 40kg tôm thương phẩm. Tuy nhiên, những ngày đầu thực hiện mô hình giống tôm mới cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng hai ông khổng nản lòng và cố gắng khắc phục vượt qua.
Thấy được lợi nhuận kinh tế cao hơn nuôi các giống thuỷ sản khác, ông Thoả và ông Sơn đã quyết định đầu tư nuôi tôm với quy mô, diện tích lớn hơn. Đến nay, mô hình nuôi Tôm càng xanh của gia đình 2 ông được mở rộng với diện tích hơn 3 mẫu.
Để con tôm phát triển, sinh trưởng tốt, trong quá trình nuôi 2 ông thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như: độ pH, Oxy, nguồn nước của ao nuôi, sử dụng và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của tôm…, sẽ góp phần hạn chế rủi ro do bệnh.Sau gần 6 tháng nuôi, tôm đạt trọng lượng bình quân 30g/con, tỷ lệ sống đạt trên 60%. Dự kiến đến cuối tháng thu hoạch tôm sẽ đạt từ 18 – 20 con/kg, bình quân sẽ thu được từ 4.500 - 5.000kg tôm thành phẩm/ao; với giá thị trường đang ở khoảng trên 200.000 đồng/kg, đây sẽ là một nguồn thu rất lớn với gia đình ông Thỏa và ông Sơn.
Với hiệu quả của mô hình, thời gian tới, ông Sơn và ông Thỏa sẽ cải tạo lại ao nuôi để chuyển từ nuôi đa canh cá, tôm sang nuôi thâm canh tôm càng xanh, đặc biệt lấy con tôm càng xanh làm nguồn vật nuôi chủ lực. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật cho một số hộ nuôi thủy sản khác trong huyện, từ đó tạo tiền đề để xây dựng thành một tổ hợp tác nuôi tôm giúp việc gắn kết tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Đầu tư vào nuôi tôm càng xanh trong thời điểm hiện nay là rất thích hợp. Đây là đối tượng sinh trưởng và phát triển rất tốt, trong quá trình nuôi hầu như không phải sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi. Chi phí thức ăn cũng cũng rẻ nhờ kết hợp thêm cả thức ăn tươi sống. Đầu ra luôn ổn định.
Nuôi tôm càng xanh trong ao đã và đang phần nào giúp gia đình ông Sơn và ông Thoả cải thiện được chất lượng cuộc sống và góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp địa phương./.
Thu Nghĩa – Trung tâm VHTT&TT huyện