làng nghề truyền thống huyện phú xuyên

Phát triển làng nghề truyền thống trong giai đoạn mới – tăng cường sản xuất và phòng chống dịch Covid-19

Phú Xuyên hiện là địa phương có 100% làng có nghề và có 43 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Sự phát triển của các làng nghề những năm qua, đã mang lại lợi ích kinh tế, đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng NTM và nâng cao đời sống người dân địa phương; đồng thời, cũng từ đây những giá trị tốt đẹp của nghề truyền thống cũng được gìn giữ và bảo tồn.

      Để tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế làng nghề truyền thống phát triển hiệu quả, bền vững, năm 2011, huyện Phú Xuyên đã lấy ngày 26-10 hằng năm là ngày vinh danh làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, huyện Phú Xuyên đã tổ chức thành công 7 lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống quy mô cấp huyện và cấp xã. Thành công từ các lễ hội đã góp phần củng cố, nâng cao giá trị văn hóa - lịch sử các làng nghề; đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của nghề thủ công truyền thống đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương; tạo cơ hội giao lưu, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Đến nay, toàn huyện có 3 nhãn hiệu làng nghề được công nhận là: Giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo Cổ Hoàng. Trong năm 2021 này, UBND huyện tiếp tục đề nghị với Sở ngành thành phố hỗ trợ khai xây dựng 7 nhãn hiệu làng nghề. Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Với những điều kiện thuận lợi đó, giá trị sản xuất của các làng nghề mang lại gần 5.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động nông thôn trên địa bàn. 

      Thực hiện quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2030, huyện Phú Xuyên đã được duyệt quy hoạch 11 cụm, điểm công nghiệp tại 11 xã. Hiện nay, huyện đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật 4 cụm công nghiệp làng nghề tại các xã: Phú Túc, Đại Thắng, Phú Yên, Vân Từ. Trong công tác phát triển du lịch làng nghề, hàng năm, các làng nghề của huyện thu hút được khoảng trên 6.000 lượt khách trong và ngoài nước, số lượng khách du lịch đến thăm quan, mua sắm tại làng nghề năm sau tăng hơn năm trước.

Làng nghề may Comple Vân Từ sản xuất phục vụ thị trường cuối năm

      Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều làng nghề trong huyện đã chủ động các biện pháp sản xuất, thích ứng an toàn với dịch bệnh; xây dựng và thực hiện các phương án phòng dịch tại cơ sở. Nhất là ngay sau khi thành phố Hà Nội ban hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, huyện cũng đã ban hành kế hoạch hướng dẫn cụ thể việc phục hồi và phát triển sản xuất, nhất là trong điều kiện bình thường mới. Các địa phương cũng chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp để từng bước thúc đẩy sự phát triển của làng nghề sau ảnh hưởng của đại dịch.

      Những ngày này, không khí sản xuất ở khắp các làng nghề trong huyện đã dần nhộn nhịp trở lại với các đơn hàng phục vụ tiêu dùng của thị trường cũng như phục vụ nhu cầu trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Nhiều cơ sở sản xuất cũng mạnh dạn áp dụng máy móc, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm; đồng thời, xây dựng kế hoạch để từng bước mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm nguồn lao động ở địa phương.

      Không khí sản xuất nhộn nhịp của các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề đang mang tới một sức sống mới cho các làng nghề trong huyện; tạo động lực để các làng nghề tiếp tục khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường, vượt qua những khó khăn đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện./.

CTV Minh Lộc – Trung tâm VHTT&TT huyện