làng nghề truyền thống huyện phú xuyên

Huyện Phú Xuyên bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề

Chiều ngày 24/6, đoàn công tác, do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng dẫn đầu đã tiến hành khảo sát tình hình phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Tham dự cùng đoàn có đồng chí Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Xuân Thanh – Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Lê Văn Bính – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Trọng Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số phòng chức năng huyện, cấp uỷ, chính quyền và đại diện nghệ nhân, hộ sản xuất kinh doanh tại xã Chuyên Mỹ.

Khảo sát thực tế tại xã Chuyên Mỹ, đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến thăm Đền Thờ tổ nghề khảm trai ở thôn Ngọ Hạ; thăm một số hộ sản xuất đồ gỗ - khảm trai ở thôn Trung và Trung tâm Thiết kế sáng tạo xã Chuyên Mỹ.

          Báo cáo với Đoàn công tác, đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Ngọc Dư cho biết: Xã Chuyên Mỹ có 7 thôn thì cả 7/7 thôn trong xã đều được UBND Thành phố công nhận làng nghề truyền thống. Với sự cần cù sáng tạo của nhiều thế hệ cùng những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các cấp nghề Khảm trai, Sơn mài trên địa bàn xã ngày càng phát triển. Tiểu thủ công nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của xã, tăng trưởng bình quân hàng năm từ sản xuất TTCN là 8,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 72,8 triệu đồng, trong đó hộ làm nghề đạt trên 150 triệu đồng/người/năm. Sản phảm Sơn mài, khảm trai của xã đã khẳng định được thương hiệu, đã có mặt trên thị trường nhiều tình thành trong nước và xuất khẩu ra một số nước trên thế giới. Năm 2019, xã Chuyên Mỹ đã được UBND thành phố công nhận điểm du lịch làng nghề. Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid 19 sản xuất làng nghề Khảm trai, Sơn mài gặp một số khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và cước vận chuyển đường biển đi Châu Âu tăng cao; cơ sở hạ tầng, đường giao thông còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của làng nghề… Đề nghị Bộ Công thương, thành phố Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguồn gốc, xuất xứ về nguyên vật liệu, giấy nhập làm nguyên liệu, xuất khẩu, đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông…

          Phát biểu tiếp đoàn, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Xuyên Thanh cho biết: Thời gian qua, huyện đã đồng hành cùng Sở Công thương Hà Nội phát động các chương trình thiết kế, sáng tạo, cải tiến mẫu mã sản phẩm để đa dạng hoá sản phẩm làng nghề, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Huyện và các địa phương cũng cố gắng để bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, bên cạnh sự quan tâm của các cấp thì để các làng nghề được duy trì và phát triển thì một nhân tố quan trọng là những nghệ nhân. Để đào tạo nghệ nhân có tay nghề thì mất rất nhiều thời gian. Cùng vớ đó, khu vực xung quan xã Chuyên Mỹ có nhiều xã nghề phát triển như Mộc – Tân Dân, Cỏ tế - Phú Túc, May mặc – Vân Từ, Giầy da – Phú Yên, nhưng qua khảo sát của các đơn vị lữ hành thì khó phát triển được du lịch làng nghề do hạ tầng còn quá yếu. Đồng chí đề nghị Bộ Công thương, thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm có chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho làng nghề phát triển; triển khai xây dựng hạ tầng để phục vụ du lịch làng nghề tại xã Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ…

          Phát biểu tại Chương trình làm việc, đồng chí Phạm Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: Qua thực tế tham quan, khảo sát tại xã Chuyên Mỹ cho thấy những sản phẩm tinh xảo, độc đáo từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần không nhỏ vào việc quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề Chuyên Mỹ, là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng của các địa phương và nhân dân để có những chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất./.

                                     

Hoàng Bích – Trung tâm VHTT&TT